Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
 
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
Phần Thứ Hai - Chuẩn Bị
-
Chương Hai

 LỄ XƯỚNG DANH - YẾT BẢNG
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh


 
I - LỀ XƯỚNG DANH
LXướng danh là cái lễ long trọng diễn ra ở cổng Tiền môn : những người thi đỗ Cử-nhân lần lượt được xướng tên to lên, theo thứ tự từ cao đến thấp. "Xướng danh" là giây phút quyết định của bao nhiêu năm đèn sách và hi vọng cho nên "Xướng danh" cũng là giây phút hồi hộp nhất trong đời các ông học trò. Nguyễn Triệu Luật viết rằng cuối thời Duy-Tân, tại trường Nam-định có một ông đã từng lắm phen lận đận trường ốc, ngày Xướng danh đứng đợi, hồi hộp quá đến nỗi ngất đi, không nghe thấy tên mình đỗ Thủ khoa ! Về sau ông kể lại :"Cái mà tôi khiếp nhất trong trường thi là cái loa đồng xướng danh và cái dáng tên lính cất loa lên" (1).

Ngày Xướng danh, cổng trường chăng biển, kết hoa lá, treo cờ xí. Các Khảo quan mặc triều phục, phân thứ tự cao thấp, ngồi trên ghế tréo ở hai bên con đường đi từ cổng Tiền môn đến nhà Thập đạo. Tiếng trống đánh, pháo nổ ầm ỹ xen lẫn tiếng nhạc rung chuông đeo cổ voi, ngựa rất là huyên náo. Người đi xem đông như kiến cỏ.

Tại cổng Tiền môn, một người lại phòng cầm quyển sổ ghi danh sách những người đỗ đọc cho người Truyền lệnh sứ mặc áo xanh nẹp đỏ (theo P. Doumer), người này trông ra ngoài, gân cổ xướng thật to tên họ, quê quán người đỗ lên, bắt đầu từ ông Thủ khoa. Bên ngoài lại có một người lính khác cầm loa ngửa mặt lên trời, hướng về tứ phía gọi thêm một lần nữa cho những người ở xa cũng nghe rõ. Theo Ngô Tất Tố, thời nhà Lê còn cho hai người quản tượng cưỡi hai con voi già chia nhau đi khắp các phố cầm loa gọi để tìm các ông Tân khoa. Tân khoa nghe gọi tên mình thì phải "Dạ" thật to rồi tiến đến cổng trường trình diện. Nghe tiếng "Dạ", một người lính múa roi, rẽ đám đông lấy lối đi, tiến về phía có tiếng "Dạ", dẫn ông Cử mới đến chào Khảo quan, lĩnh mũ áo đã để sẵn trên cái án thư gần đấy, rồi đi thẳng đến cái rạp ở trước nhà Thập đạo. Rạp làm bằng một tấm cót dựng giữa trời, có hai bức chấn song tre tươi ngăn khu lòng rạp với bên ngoài, trong rạp trải hai dẫy chiếu cạp điều lên mặt đất. Ông Thủ khoa ngồi chiếu đầu bên dẫy lẻ, ông Á nguyên ngồi chiếu đầu hàng chẵn.

Có ông nghe thấy tên mình, nhẩy choi choi và hét to :"Thủ lợn, thủ bò từ nay về ai ? Còn dám khinh thường thằng này nữa không ? Tú-tài còn dám sai Cử-nhân châm đóm, lấy điếu hay không ?". Thì ra ông ở một làng đã lâu không có người đỗ đạt cao, chỉ có một ông đỗ Tú-tài giữ ngôi Tiên chỉ, ông này hách dịch, thường sai ông hầu điếu đóm nên ông oán giận, nay ông thi đỗ cao hơn mới thốt ra những điều uất ức giữ kín trong lòng từ xưa. Lại có những ông Tân khoa sướng quá, muốn kéo dài thời gian để được nghe tên mình xướng đi xướng lại nên cố ý trùng trình, ăn cơm, uống nước chán chê rồi mới chịu mặc áo tấc (áo thụng lam) ra trình diện (2).

Vì các ông Tân khoa không chịu ra trình diện ngay, mà hễ ông Thủ khoa chưa ra mặt thì chưa gọi đến ông Á nguyên, nên có khi mất cả ngày mới gọi đủ tên mấy chục ông Cử mới. Thời Pháp thuộc, mọi nghi thức được giản dị hóa cũng phải mất cả 3 tiếng đồng hồ : cứ hô xong mỗi tên là mất 5 phút, tính từ lúc người lính cầm loa quay sang phải, sang trái, cho đến khi người đỗ lách mình được qua đám đông người đi xem để vào trình thẻ căn cước (3).
 

I I - YẾT BẢNG 

Sau lễ Xướng danh người ta mới cho yết bảng Cử-nhân và Tú-tài.

1 - Bảng Cử-nhân cũng gọi là Hổ bảng vì thời xưa là một cái bảng gỗ sơn son vẽ con hổ vàng, lưng đeo tên các ông Cử mới, yết ở cửa vi Giáp (4). Năm 1897 giản dị hóa, chỉ còn là một cái bảng gỗ trơn, không vẽ hổ nữa.

2 - Bảng Tú-tài cũng gọi là Mai bảng, thời xưa vẽ cành mai, yết ở cửa vi Ất. Sau này chỉ làm bằng phên, phất giấy trắng, viết chi chít những tên bởi số người đỗ Tú-tài đông gấp ba số người đỗ Cử-nhân.
 
 

CHÚ THÍCH

1 - N.T. Luật, Bốn con yêu..., tr. 90. Có lẽ là Nguyễn Chân Ðỉnh, 41 tuổi, Thủ khoa 1909, bởi vì trong 3 khoa cuối đời Duy-tân là 1909, 1912, 1915 thì hai khoa sau Thủ khoa đều trẻ, mới khoảng hai mươi tuổi, không thể "lận đận trường ốc nhiều phen" được.

2 - N.T. Tố, Lều Chõng, tr. 234-5 - Ð.H. Thụ, Làng Hành-thiện..., tr. 197.

3 - N. Tuân, Chuyện Nghề, tr. 185.

4 - Chu Thiên, Bút Nghiên, tr. 204.

Bảng Tiến-sĩ vẽ con rồng, gọi là Long bảng. Theo Phan Hương Thủy, Sông Hương số 19,

thì Long Hổ là biểu tượng sự quần tụ của các nhà trí thức chầu về nhà vua.